Con tôi 8 tuổi mắc bệnh tăng động giảm chú ý?
Ngày đăng: 23/06/2011
Lượt xem: 64383
Câu hỏi:
Chào bác sỹ !Con gái tôi năm nay 8 tuổi, từ nhỏ cháu rất hiếu động nhưng mọi người nói lớn cháu sẽ hết, nhưng đến bây giờ thì tôi thực sự lo lắng vì cháu có những biểu hiện như bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ em đó là: - Luôn luôn hoạt động, làm hết việc này đến việc khác, nếu bị bắt nằm hoặc ngồi yên một chỗ thì chân tay cũng vặn vẹo không yên.- Khi ngồi học thì không tập trung, lơ đãng mắt nhìn quanh, ngồi một tí là ngọ nguạy hết bơm mực lại gọt viết chì mặc dù viết không bị gãy hoặc kiếm cớ đi lấy cái này cái kia .... đang làm bài nhưng lại hỏi những câu hỏi ở đâu đâu không liên quan đến bài học cho nên bài học hoài nhưng không nhớ.- Đi học thì mất viết liên tục, ngồi học thì không tập trung nghe cô giảng quay lên quay xuống.- Không chơi cái gì được quá 5 phút, không chịu ngồi im đọc truyện hoặc làm những việc gì mà phải tập trung.- Khi đang nằm xem tivi tự nhiên cũng đứng lên xem rồi vặn vẹo người.-Tính tình cẩu thả không ngăn nắp mặc dù ngày nào người lớn cũng nhắc nhở chỉ bảo nhưng không thay đổi, hay cáu gắt.- Nói làm một việc gì đó dạ dạ rồi là quên ngay không làm.- Đem ngủ hay mê và nói to.Mong Bác sỹ tư vấn sớm giúp tôi phải làm thế nào? Có phải cho cháu đi khám về tâm lý không và khám ở đâu? Cám ơn Bác sỹ.
Nguyễn Thị Nhân
Trả lời:
Chào bạn
Quậy phá, lăng xăng là chuyện bình thường ở trẻ 2-3 tuổi, vì thường muốn khám phá môi trường xung quanh, tuy nhiên lại là bệnh với những trẻ không cùng lứa tuổi.
Biểu hiện ngay từ lúc 3 - 4 tuổi, đó là những đứa trẻ quá hiếu động so với trẻ bình thường khác. Trẻ thường xuyên chạy nhảy không ngừng, không biết mệt mỏi, chỉ trừ lúc ngủ, có biểu hiện ngủ ít và khó ngủ hơn những trẻ khác. Nếu bị bắt ngồi yên trẻ vặn vẹo, ngọ nguậy, đung đưa co duỗi chân tay không ngừng. Điều này rõ nhất khi trẻ ngồi trong lớp học không nghe cô giảng, hết quay bên nọ lại sang bên kia, tự nhiên lấy đồ của bạn, tự động bỏ chỗ không xin phép cô giáo… Những đứa trẻ này thường không tuân thủ các quy định ở trường hay trong các trò chơi tập thể, trẻ thích tham gia vào các trò nguy hiểm mà không nghĩ đến hậu quả... Ngoài ra, các em thường ít lắng nghe những gì người lớn nói và không thể làm theo chỉ dẫn hay hoàn thành công việc được giao. Có những em hay đánh mất vật dụng như vở, bút chì, hay quên các hoạt động thường ngày, dễ sao nhãng bởi những thứ bên ngoài, chẳng hạn đang học lại muốn chạy nhảy đi chơi. Các em này cũng thường cẩu thả, hay mắc lỗi khi làm việc nhà…
Rối loạn tăng động giảm chú ý chiếm khoảng 10% trẻ đến khám tâm lý, nam nhiều hơn nữ. Đây là những rối loạn chú ý và khả năng tự kiềm chế bẩm sinh chứ không phải lỗi của trẻ. Để giúp trẻ có tiến triển tốt thì điều quan trọng nhất là phụ thuộc vào thái độ giúp đỡ của gia đình và nhà trường nơi trẻ học tập.
Tuy nhiên, không phải trẻ nào quá hiếu động đều mắc bệnh. tính rối loạn tăng động, giảm chú ý phải diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh và trong tất cả các mối quan hệ. Thời gian rối loạn phải kéo dài ít nhất 6 tháng
Bạn nên khuyến khích hoặc khen ngợi khi con có thể tập trung chút ít ví dụ như hoàn thành 1 bức vẽ tô màu. Điều này giúp bé định hình hành vi và giảm thiểu sự tăng hoạt của con bạn.
Bạn không nên đưa ra những hình phạt và nên thảo luận vấn đề của con với giáo viên chủ nhiệm để họ giúp đỡ hay tận dụng những khoảng thời gian cháu chú ý, tập trung trong lớp để động viên bé, có thể cho bé ngồi bàn đầu để giảm thiểu sự phân tán tư tưởng của bé do bị cô giáo quan sát nhiều.
Bên cạnh đó, bạn nên cho bé chơi một môn thể thao mà bé thích như bơi lội, bóng đá, võ thuật... để giảm thiểu sự dư thừa năng lượng. Và điều cần thiết là bạn đừng bao giờ để bé bị thiếu thốn tình cảm của ba mẹ, tránh để bé bị tổn thương tinh thần.
Bạn cũng có thể sử dụng những bức tranh giống nhau, chỉ khác một vài chi tiết được ẩn giấu rồi cho trẻ nhận biết, tìm ra những điểm khác biệt giữa 2 bức tranh. Để tăng hiệu quả của trò chơi, hãy để những bức tranh này ở những vị trí cách xa nhau, đòi hỏi trẻ phải chạy từ chỗ này sang chỗ khác (quá trình chạy có thể giúp trẻ giải thoát năng lượng làm giảm sự tăng động, buộc trẻ phải ghi nhớ trong đầu những chi tiết ở bức tranh trước đó… Cũng vậy, các trò chơi xếp một loạt các con vật trước mặt trẻ sau đó yêu cầu trẻ nhắm mắt, rồi người lớn bí mật thay đổi vị trí hoặc lấy ra thêm vào, sau đó hỏi trẻ những con vật nào bị đổi chỗ, những con nào bị lấy ra. Chính quy tắc chơi này buộc trẻ phải tăng cường khả năng tập trung chú ý. Hãy kiên trì học cách chơi với trẻ theo kiểu được gợi ý sẽ giúp con chị giảm tăng động và tăng cường chú ý hơn.
Bệnh Tăng động giảm chú ý là một hội chứng bệnh lý. Bạn nên theo dõi thêm nếu thấy bé có một vài biểu hiện như trên thì bạn nên cho bé đi khám tại chuyên khoa Tâm lý trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 để bé được bác sĩ khám trực tiếp và chẩn đoán bệnh cho bé được chính xác nhé.
Thân mến
Trả lời bởi: Kiều Thanh Hà-Chuyên viên tâm lý
Các tin khác
Các dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ 05/02/2016
Chậm phát triển trí tuệ 05/05/2015
Không biết là bé có bị tự kỷ không ? 04/05/2015
Càng lớn bé càng ít nói và hay cáu giận 27/03/2015
36 tháng nhưng bé vẫn chưa nói được nhiều? 25/03/2015