Thay đổi trong việc sử dụng thuốc ho và cảm lạnh cho trẻ em
Ngày đăng: 15/10/2013
Lượt xem: 21773
Khuyến cáo mới của Cơ quan Quản lý Dược phẩm Úc
Tại Úc, từ năm 2009, các thuốc điều trị ho và cảm lạnh chỉ được sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi khi có đơn của bác sĩ.
Các thuốc này có thể là thuốc đơn thành phần hoặc thuốc phối hợp, trong đó hoạt chất thuộc 4 nhóm chính sau:
- Thuốc kháng histamin H1: brompheniramin, chlorpheniramin, dexclorpheniramin, diphenhydramin, doxylamin, pheniramin, promethezin, triprolidin.
- Thuốc giảm ho: codein, dextromethorphan, dihydrocodein, pentoxiverin, pholcodin.
- Thuốc long đờm: amonium clorid, bromhexin, guaifenesin, ipecacuanha, senega và amonia.
- Thuốc chống sung huyết ngạt mũi: oxymetazolin, phenylephrin, pseudoephedrin, xylometazolin.
Tháng 8/2012, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Úc (TGA) đã hoàn thành đánh giá lại lợi ích và nguy cơ của các thuốc không kê đơn (OTC) này trên đối tượng trẻ em. Kết quả cho thấy hiện có rất ít bằng chứng về hiệu quả của các thuốc điều trị ho và cảm lạnh OTC cho trẻ em dưới 12 tuổi, trong khi dữ liệu về phản ứng bất lợi cho thấy nguy cơ tiềm ẩn của các thuốc này khi sử dụng cho trẻ em và nguy cơ này ở trẻ em dưới 6 tuổi cao hơn so với nguy cơ ở trẻ từ 6 đến 11 tuổi. Kết luận của TGA tương tự kết luận của cơ quan quản lý dược phẩm Anh, Mỹ, Canada và New Zealand sau khi tiến hành đánh giá độc lập lợi ích và nguy cơ của nhóm thuốc này.
Vì vậy, TGA đã khuyến cáo về việc sử dụng các thuốc điều trị ho và cảm lạnh OTC trên đối tượng trẻ em như sau:
- Không sử dụng thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi.
- Chỉ sử dụng thuốc cho trẻ em từ 6-11 tuổi khi có hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ hoặc điều dưỡng.
Việc sử dụng thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi được coi là chỉ định không được phê duyệt chính thức (off-label). TGA còn yêu cầu các cảnh cáo mới này phải được thể hiện trên nhãn thuốc và các thuốc phải được đóng gói trong bao bì bảo vệ không cho trẻ em tiếp cận được.
Nên điều trị ho cho trẻ em như thế nào?
Khi trẻ em bị ho, điều quan trọng đầu tiên là xác định nguyên nhân chính gây ho để điều trị nguyên nhân một cách trực tiếp. Nhân viên y tế cần giải thích nguyên nhân gây ra các triệu chứng và cơ chế gây ho cho bố mẹ của trẻ, đồng thời nói rõ thời gian kéo dài có thể của các biểu hiện khó chịu này để các phụ huynh chủ động trong chăm sóc con em mình. Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả của các thuốc điều trị triệu chứng ho so với việc không dùng thuốc. Một số bằng chứng cho thấy mật ong có tác dụng tốt với các trường hợp ho cấp tính ở trẻ em. Một tổng quan Cochrane năm 2012 về hai thử nghiệm lâm sàng cho thấy mật ong có tác dụng điều trị triệu chứng tốt hơn ở mức độ vừa phải (giảm mức độ nặng và thời gian kéo dài đợt ho) so với không điều trị. Tuy nhiên, bài tổng quan cũng chỉ ra hạn chế về cỡ mẫu và sai số trong hai thử nghiệm này. Tuy bằng chứng về hiệu quả của mật ong chưa thực sự thuyết phục nhưng nguy cơ về các tác dụng bất lợi của mật ong khá thấp. Không nên sử dụng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi. Với trẻ trên 1 tuổi, 1-2 thìa mật ong, dùng trước khi đi ngủ 30 phút, có thể là biện pháp điều trị thay thế tốt hơn các thuốc chữa ho và cảm lạnh.
(Nguồn: tổng hợp thông tin từ Cơ quan quản lý dược phẩm Úc, tạp chí Australian Prescriber 2013;36 và Medicines Safety Update 2013; 4)
Đăng bởi: BS.CKII.Trinh Huu Tung
Các tin khác
THÔNG TIN THUỐC THÁNG 5 / 2013 21/08/2013
THÔNG TIN THUỐC THÁNG 6 / 2013 21/08/2013