Bấm vào hình để xem kích thước thật

Ngộ độc chì ở bé 44 tháng tuổi

Ngày đăng:  19/08/2012

 
Lượt xem: 8417

Ngày 31/7/2012, khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận bé trai N.Q.K, 44 tháng tuổi, nhà ở Phú Quốc, vào viện do ngộ độc chì.

 

Bé được cha mẹ cho uống thuốc cam  (?) để trị viêm mũi họng trong 2 năm cùng với một số thuốc Bắc và thuốc Nam khác. Sau đó nghe trên TV nói về việc ngộ độc chì do thuốc cam và thấy con mình chậm chạp hơn bé chị nên cha mẹ cho bé đi thử máu kiểm tra ngộ độc chì. Kết quả nồng độ chì trong máu bé cao nên cha mẹ đưa bé vào Bệnh viện Nhi đồng 2 để điều trị.

Bé được khám và làm một số xét nghiệm để đánh giá tổn thương các cơ quan do ngộ độc chì và kiểm tra lại nồng độ chì trong máu. Các xét nghiệm cho thấy bé bị ngộ độc chì mức độ nhẹ, có thiếu máu và có biểu hiện chậm phát triển trí tuệ mức độ trung bình. Bé đã được tiến hành điều trị với thuốc đặc trị và các thuốc nâng đỡ khác.

Chì là một kim loại nặng, có đặc điểm là độ nóng chảy thấp, dễ uốn nắn hay dát mỏng do mềm, nhưng cũng có độ cứng nhất định nên được sử dụng nhiều trong đời sống và công nghiệp. Chì có trong nước sơn, bề mặt và vật dụng được sơn có chì, có trong nước từ đường ống dẫn nước hay có trong thức ăn, thức uống đóng chai được làm từ kim loại có chất chì, trong công nghiệp làm bình acqui. Chì cũng có nhiều trong ruột viết chì, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm và đặc biệt trong các thuốc dân gian và thảo dược.

Trẻ em, do đặc tính hay trườn bò dưới đất, thích khám phá và thường ngậm tay nên dễ bị nhiễm chì có trong đất hay từ đồ chơi. Tình trạng thiếu chất sắt và can-xi (bệnh lý hay gặp ở trẻ nhỏ) cũng sẽ làm tăng sự hấp thu chì từ đường tiêu hóa.

Sự hấp thu chì tùy thuộc vào đường tiếp xúc, tuổi và tình trạng dinh dưỡng. Sau khi được hấp thu, chì được phân bố trong máu, trong mô mềm, trong răng và xương. Chì không được chuyển hóa và phóng thích rất chậm. Nửa đời sống trong máu khoảng 28-36 ngày, trong mô mềm khoảng 40 ngày và trong mô răng, xương hơn 25 năm. Vì vậy, ngộ độc chì có thể xảy ra mà không cần có tiếp xúc nhiều cùng lúc.

Chì làm tổn thương não, thận, xương, tủy xương, cơ quan sinh duc nặng nề; đặc biệt chì gây tổn thương não và thận vĩnh viễn. Trẻ em nhỏ hơn 6 tuổi, nhất là trẻ từ 12 đến 36 tháng tuổi, rất dễ bị tổn thương não do ngộ độc chì do hàng rào máu não chưa hoàn chỉnh, chì dễ dàng vào mô não đang phát triển. Ở người lớn, chì gây khó thở, khó tập trung, giảm trí nhớ, bệnh lý thần kinh ngoại biên và giảm ham muốn tình dục.

Trước đây có nhiều trường hợp bị ngộ độc chì do làm bình ắc-qui, gần đây nhiều trường hợp bị ngộ độc chì do uống thuốc cam như báo đài đã nêu làm trẻ bị tổn thương trí tuệ không hồi phục, thậm chí có trẻ đã tử vong. Giảm trí tuệ làm ảnh hưởng tương lai cho trẻ và xa hơn là cho đất nước và nhân loại. Một trong những nguyên nhân suy sụp của Đế Chế La Mã được cho là do ngộ độc chì. Vì vậy, không nên cho trẻ ngậm đồ chơi có chì như ruột viết chì, mỹ phẩm và không dùng thuốc cam có chì, không làm acqui trong vùng dân cư để tránh bị nhiễm chì. Khi không may đã nhiễm độc chì thì mau chóng đến bệnh viện để được điều trị thải chì. Cũng nên biết rằng việc thải chì không phải dễ dàng, mất thời gian và rất tốn kém và đã có tổn thương rồi, nhất là ở não thì khó hồi phục hoàn toàn.

Đăng bởi: BS.CK2.Phạm Thị Minh Rạng - Khoa Nội tổng hợp

[Trở về]

Các tin khác