Bấm vào hình để xem kích thước thật

CÓ HAY KHÔNG BỆNH “TINH HOÀN THỦY TINH” Ở TRẺ EM?

Ngày đăng:  02/04/2021

 
Lượt xem: 5514

Bé TAK gần 4 tuổi người Gia Rai, nhà ở Kontum được ba mẹ đem đến khám tại bệnh viện Nhi đồng 2 với lý do khám “tinh hoàn thủy tinh” với triệu chứng bìu phải căng to trong suốt, không đau.

Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ được biết từ sau sinh bé đã có triệu chứng tinh hoàn bên phải là khối to, trong suốt và hoàn toàn không đau, khối này thường nhỏ lại sau một đêm nằm ngủ và to hơn trong ngày khi bé hoạt động bình thường. Ngay từ khi bé một tuổi đã được gia đình đem thăm khám tại bác sĩ tư, bé được chẩn đoán “tinh hoàn thủy tinh” và cần được điều trị là chọc hút dịch bằng cách đâm kim vào vùng “tinh hoàn thủy tinh”.

 

Theo gia đình sau mỗi lần chọc hút vùng bìu trở nên nhỏ hầu như bình thường, tuy nhiên vài tháng sau thì “tinh hoàn thủy tinh” lại tái lập trở lại. Bé TAK đã được chọc hút 4 lần nhưng hoàn toàn không thể hết, gia đình lo lắng nên đem bé xuống khám tại khoa Niệu Bệnh viện Nhi đồng 2 và được chẩn đoán là dị tật bẩm sinh “ thủy tinh mạc”, cũng là thủy tinh nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Bé được phẫu thuật lấy khối dịch ra và cột cắt ống phúc tinh mạc thông thương giữa vùng bụng và bìu để phòng ngừa tái phát sau này. Sau mổ vùng tinh hoàn bên phải xẹp trở về bình thường, vết mổ khô sạch, bé xuất viện một ngày sau.

 

Bìu phải sưng to trước mổ

 

Bìu phải xẹp trở về bình thường sau mổ

 

TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám Đốc bệnh viện Nhi đồng 2, phẫu thuật viên chính ca mổ cho biết thêm về dị tật bẩm sinh này. Không có bệnh tinh hoàn thủy tinh, chỉ có dị tật thủy tinh mạc là sự ứ dịch trong khoang màng tinh, tức là khoang bao bọc tinh hoàn. Thủy tinh mạc thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể bị một bên hay cả hai bên, tuy nhiên bên phải được ghi nhận thường gặp hơn.

 

Thủy tinh mạc có thể thông thương hoặc không thông thương, nếu có thông thương nó có thể có kích thước khác nhau, thường to lên vào ban ngày khi trẻ đi đứng chạy nhảy và nhỏ lại vào ban đêm khi trẻ nằm ngửa. Sự dao động kích thước trong ngày, sự tăng dần kích thước hoặc vùng bẹn phồng to từng đợt gợi ý thủy tinh mạc thông thương.

 

Như trường hợp của bé TAK là thủy tinh mạc thông thương, do đó trong quá trình phẫu thuật, bên cạnh việc giải phóng nước vùng tinh hoàn bên phải, một việc rất quan trong đó là khâu cột ống phúc tinh mạc thông thương giữa bìu và vùng bụng, điều này nhằm ngăn ngừa việc tái lập nước xung quanh tinh hoàn sau này. Đối với việc chọc hút không những không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ mà tiềm tàng những nguy cơ nhiễm trùng vùng bìu tại chỗ, tổn thương tinh hoàn, mào tinh và ống dẫn tinh gây vô sinh về sau, bên cạnh đó vùng thông thương từ bìu lên ổ bụng sẽ có nguy cơ vi trùng từ kim chọc hút bẩn đi vào ổ bụng gây viêm phúc mạc rất nguy hiểm, việc này thực sự rất nguy hiểm và tiềm tàng nhiều nguy cơ “sai một li, đi một dặm”.

 

Việc chẩn đoán không quá khó khăn, bìu to sau sinh, căng bóng như chứa nước, không đau, siêu âm sẽ giúp hỗ trợ chẩn đoán. Thủy tinh mạc có khả năng tự khỏi khoảng 2 tuổi, vì vậy phẫu thuật không được khuyến cáo trước 1 tuổi, những thủy tinh quá to, căng gây khó chịu cho em bé thì nên mổ sớm. Không nên chọc hút vùng ứ dịch vì khả năng tái phát rất cao bên cạnh những nguy cơ khác.

 

TS.BS Phạm Ngọc Thạch - Phó Giám Đốc bệnh viện Nhi Đồng 2

 

Đăng bởi: Thúy Nguyễn

[Trở về]

Các tin khác

Tắc ruột vì  14/01/2021