Bấm vào hình để xem kích thước thật

Việc học của trẻ và những điều 'khó tỏ' cùng ai

Ngày đăng:  14/11/2019

 
Lượt xem: 5189

- Trẻ lớp 1 với phép tính “ (2+3+2+2)  bằng mấy?”
Cách đây 3 năm, tôi nhớ như in hai trường hợp cực kỳ ấn tượng. Một bé trai dáng người nho nhỏ đi với mẹ từ Kom Tum xa xôi đến khám tâm lý vì lý do “học hoài không nhớ”. Người mẹ dáng người lam lũ, hình như bị một khuyết tật nhẹ một bên chân.

Trong khi người mẹ liên tục “kể tội” đứa con nào là chỉ có ăn và học không mà học mãi không xong, không có nhanh nhẹn, suốt ngày cái gì mẹ cũng làm cho hết… thì đứa con ngồi im thin thít, không dám hó hé một câu. Trẻ đã đi học lớp 1 nhưng khi tôi đặt câu hỏi nào, trẻ cũng trả lời lí nhí. Cứ mỗi một câu trả lời, trẻ lại len lén quay sang nhìn mẹ.

Sau đó, tôi đưa cho trẻ quyển sách tiếng Việt lớp một - tập một để trẻ đọc thử.Trái với lời mẹ nói, trẻ đọc đánh vần tròn chữ đến luôn … trang cuối. Tôi đành quay sang nói mẹ: “Bé nhớ mặt chữ và ráp vần đọc tốt mà chị”. Người mẹ quay ngay sang đứa con, lấy tờ giấy ghi một phép toán và kêu trẻ tính. “Tính cho mẹ 2+3+2+2 bằng mấy?”.Đó là lần đầu tiên tôi bị “sốc”. Liệu những hoài bão mà ta đặt lên con trẻ có phải thực sự là “vì con” hay vì những gì ta không thực hiện được và ta muốn con là người thực hiện thay ta?

 

- “Con phải cảm ơn vì may mắn lắm con mới có mẹ là mẹ của con!”

Một trường hợp khác cũng bị mẹ ép học, đặt nhiều kỳ vọng giống như bé ở trên,đó là bé trai học lớp ba. Mẹ đưa đến khám vì trẻ “lười học”. Trái với người mẹ kể trên, mẹ của bé trai lớp ba nhanh nhẹn và ăn mặc sang trọng. Và đứa con cũng trái với đứa bé trên, em liên tục phản ứng lại trước những lời chê trách của mẹ về mình. Nhận thấy tình hình có vẻ căng thẳng, tôi đành mời trẻ ra ngoài phòng đợi trong khi tôi nói chuyện riêng với mẹ trước.

“Điều gì làm cho mẹ căng thẳng như vậy?”, tôi hỏi mẹ khi trẻ đã ra ngoài. Ngay lập tức mẹ như được dịp, kể một hơi về lịch sử “đời mẹ”: Là người cực kỳ siêng năng, gia đình đông anh em, phải làm việc vất vả từ bé và nhờ bố của mẹ (là ông ngoại của trẻ) cực kỳ nghiêm khắc nên mẹ mới có được ngày hôm nay... Rằng xã hội bây giờ có rất nhiều người giỏi, nếu con chị không cố gắng là không bằng ai được. Khi tôi hỏi,“mẹ có thấy căng thẳng trong việc học khi xưa của mẹ không?” người mẹ trả lời rằng không bao giờ. Do đó, con của mẹ cũng phải làm được như mẹ. Đến phiên tôi nói chuyện riêng với trẻ, cháu lập tức nói luôn: “Con mệt mỏi vì mẹ”. Mẹ và trẻ khi gặp lại nhau, mẹ nói luôn “Con phải cảm ơn vì maymắn lắm con mới có mẹ là mẹ của con”…

 

- Mẹ lo lắng, cha “thì thôi kệ nó”, trẻ chỉ chơi không học

Bé gái học lớp một được giáo viên chủ nhiệm yêu cầu gia đình đưa đi khám vì trong lớpbé không chịu học. Bé không viết một chữ nào và không bao giờ trả lời với cô khi được hỏi. Mẹ rất lo về tình tình trạng này và tuyệt vọng vì không biết phải làm như thế nào để con chịu học. Theo lời mẹ, bé gái bắt đầu dán mắt vào điện thoại từ lúc 2-3 tuổi và cho đến tận bây giờ, đi học về là bé chỉ ôm điện thoại. Đập đầu và nằm vạ khi mẹ lấy lại điện thoại. Điều ngạc nhiên là cha bé lại ra sức bảo vệ con. Mỗi lần mẹ cất điện thoại đi thì cha lại là người đưa lại điện thoại cho bé vì sợ “khóc nhiều bệnh”. Cha thẳng thắn nói luôn: “không học được thì học lại chẳng sao hết chứ đừng hòng con bé biết nghe lời ai”. Xong rồi cha và mẹ khẩu chiến với nhau ngay tại phòng khám, đứa bé gái đứng nhìn không một chút biểu lộ sự hối hận vì ba mẹ cãi nhau là vì mình. Mọi việc vẫn như lúc ban đầu: trẻ không chịu học.

 

- Trẻ thiếu động cơ học hành vì đâu?

Từ những tình huống trên có thể thấy động cơ học tập ở trẻ hầu như không có, hay nói cách khác các kiểu mẫu gia đình như vậy đã không hình thành cho trẻ các động cơ kích thích trong học tập.

Có 3 kiểu giáo dục và chăm sóc con cái thường được nói đến như sau:

1. Kiểu giáo dục theo phong cách độc đoán, trong đó trẻ buộc phải tuân thủ theo các quy tắc nghiêm khắc do cha mẹ đặt ra mà không hiểu tại sao luôn phải nghe theo các mệnh lệnh đó. Mong đợi ở cha mẹ đối với con cái chỉ là sự vâng lời và nếu cần họ có thể dùng hình phạt đòn roi để có được sự vâng lời của con.

2. Kiểu giáo dục theo phong cách tự do. Ngược lại với kiểu giáo dục độc đoán, cha mẹ kiểu này thường ít đòi hỏi con cái sự thành đạt hay phải hoàn thành một yêu cầu nào đó dù là yêu cầu tối thiểu, họ ít khi giám sát hoặc can thiệp trực tiếp vào cuộc sống của con.

3. Kiểu giáo dục theo phong cách dân chủ, trẻ sẽ được thực hiện theo ý mình sau khi trẻ biết trình bày các lý do để thuyết phục cha mẹ và được cha mẹ lắng nghe, cùng cha mẹ thảo luận.

Theo các nhà tâm lý và giáo dục học, quy tắc tôn trọng và ngăn cản hợp lý cùng với các hình thức động viên hơn là chê trách là mô hình giáo dục được khuyến khích hiện nay.Kiểu giáo dục này sẽ khích lệ trẻ nhiều hơn, giúp trẻ nhận ra những vấn đề của bản thân một cách tự nguyện và có động lực để thay đổi.

 

* Nhận biết mối quan hệ gia đình

Nhiều công trình nghiên cứu về quan hệ gia đình đã chỉ ra các kiểu quan hệ sau:

1. Quan hệ gia đình nồng ấm với trẻ, chấp nhận mọi điều từ trẻ nhưng vẫn đưa ra những yêu cầu cao đối với trẻ .

2. Quan hệ gia đình nồng ấm mà trong đó cha mẹ duy trì sự “nồng ấm” đó bằng thái độ dễ dãi thái quá, hay cho phép trẻ làm mọi điều trẻ thích.

3. Quan hệ gia đình vừa lạnh nhạt, vừa đặt yêu cầu cao lên trẻ.

4. Quan hệ gia đình lạnh nhạt, cha mẹ lại quá bận rộn để có thể xem xét các vấn đề của trẻ, cha mẹ có xu hướng nuông chiều theo ý trẻ.

Từ 4 kiểu quan hệ gia đình này, đối chiếu với 3 kiểu giáo dục trên, phụ huynh hãy tự suy ngẫm xem quan hệ gia đình mình hiện tại đang là một trong những kiểu mẫu nào để kịp thời nhận ra những điểm chưa đúng và thay đổi cách giáo dục để trẻ được phát triển mà không gây ra những vấn đề tâm lý cho con.

 

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Quí Quỳnh - Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2

 

 

 

Đăng bởi: Hân Nguyễn

[Trở về]

Các tin khác