Bấm vào hình để xem kích thước thật

Sốt xuất huyết trên trẻ có “bệnh nền” sẽ như thế nào?

Ngày đăng:  28/08/2019

 
Lượt xem: 3727

Bệnh cảnh sốt xuất huyết sẽ là sốt cao liên tục 3-4 ngày đầu, thất thoát huyết tương qua thành mạch, thất thoát nhiều có thể gây sốc, tổn thương các cơ quan, tràn dịch màng bụng, màng phổi. Virus Dengue gây bệnh Sốt xuất huyết có thể tấn công lên não, cơ tim gây nguy kịch đến tính mạng. Sốt xuất huyết trên trẻ khỏe mạnh đã nguy hiểm, gây nhiều biến chứng nặng, nếu trên trẻ có bệnh nền trước đó sẽ càng khó lường hơn.

“Bệnh nền” nghĩa là trẻ có mắc một số bệnh lý trước đó, đang được điều trị và theo dõi như thần kinh (động kinh, bại não…), hô hấp (hen suyễn, viêm phổi…), tim mạch (thông liên thất, thông liên nhĩ, suy tim…), tiêu hóa (viêm gan, viêm dạ dày…), thận (suy thận, hội chứng thận hư…), cơ xương khớp (gù vẹo cột sống…)

 

Mùa dịch sốt xuất huyết năm 2019 đang diễn ra và không biết khi nào là đỉnh điểm, nhưng chúng tôi nhận thấy các ca bệnh nặng hơn và trên trẻ có nhiều bệnh nền.

Những trường hợp trẻ có bệnh lý thần kinh như động kinh, bại não chẳng hạn, trong giai đoạn sốt cao trẻ rất dễ co giật, đôi khi sau giật trẻ có rối loạn tri giác, suy hô hấp phải hỗ trợ hô hấp bằng máy thở. Việc điều trị bên cạnh bù dịch phải dùng thêm các thuốc an thần khống chế co giật kéo dài.

Hay như những trẻ hen suyễn, viêm phổi, trẻ đã khó thở do bệnh lý hô hấp, nay gặp thêm bệnh sốt xuất huyết sẽ có thêm tràn dịch màng phổi do thất thoát huyết tương khiến trẻ suy hô hấp nhiều hơn. Thậm chí có thể gây xuất huyết phổi nếu trẻ có rối loạn đông máu nặng.

Đối với các trường hợp tim bẩm sinh lại càng khó, việc điều chỉnh dịch truyền và thuốc trợ tim thế nào để tim co bóp tốt, tưới máu nuôi các cơ quan khác là một bài toán phức tạp đối với bác sĩ. Không chỉ vậy, virus Dengue có thể tấn công vào cơ tim, gây bệnh cảnh viêm cơ tim tối cấp, nguy cơ tử vong cực kỳ cao.

Trên trẻ có tổn thương gan trước đó, sốt xuất huyết sẽ làm tình trạng tổn thương gan nặng nề hơn, có thể gây vàng da vàng mắt, rối loạn đông máu nặng và hạ đường huyết thường xuyên.

Bên cạnh đó, ở trẻ có viêm dạ dày, đặc biệt nếu có loét dạ dày trước đó thì lại càng nguy hiểm, trẻ dễ bị xuất huyết tiêu hóa (ói máu, tiêu phân đen). Chúng tôi từng tiếp nhận trẻ sốt xuất huyết có viêm loét dạ dày phải phẫu thuật cầm máu ngay trên bàn mổ.

Hay những trường hợp cá biệt như gù vẹo cột sống, lồng ngực hít thở nâng không tốt như các trẻ khác, dễ suy hô hấp khi có tràn dịch màng phổi, màng bụng do thất thoát huyết tương. Có một trường hợp chúng tôi phải hỗ trợ cho bé thở bằng máy.     

Mỗi cá thể đều riêng biệt, tùy từng trường hợp chúng tôi đều điều chỉnh điều trị sao cho phù hợp nhất ở từng thời điểm của trẻ bệnh dựa trên phác đồ điều trị sốt xuất huyết chung của Bộ y tế.

 

Bài viết này được viết ra để các bậc phụ huynh có cái nhìn thận trọng hơn với Sốt xuất huyết và lưu ý tích cực áp dụng các biện pháp phòng ngừa.

 

Xin được nhắc lại một số điểm chính trong phòng ngừa và cảnh báo sốt xuất huyết

- Khi trẻ sốt cao liên tục 2 – 3 ngày, xin quý phụ huynh lưu ý cho trẻ đến các cơ sở y tế.

- Khi trẻ sốt 2 – 3 ngày rồi hết sốt, nhưng trẻ mệt hơn, có thể có ói, đau bụng, chảy máu mũi… phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.

- Xin nhớ những trẻ có bệnh nền, khi bị sốt xuất huyết sẽ là nhóm trẻ có nguy cơ nặng hơn các trẻ khác.

- Ngủ mùng (giăng mùng cả ngày lẫn đêm), diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy), phát quan bụi rậm, đậy úp chai lọ, lu vại là việc nên làm thường xuyên.

 

Tác giả: Ths.BS NGUYỄN ĐÌNH QUI (Khoa Nhiễm)

 

 

 

 

Đăng bởi: Hân Nguyễn

[Trở về]

Các tin khác