Phòng ngừa bệnh quai bị
Ngày đăng: 18/02/2019
Lượt xem: 6775
Bệnh quai bị thường bùng phát thời gian trước và sau Tết nguyên đán, bệnh lây lan qua đường hô hấp do Paramyxovirus và các bé chưa được chích ngừa sẽ dễ mắc phải.
Thời gian ủ bệnh thường kéo dài 1 tuần, sau đó bắt đầu có triệu chứng sốt, nhức đầu (ở trẻ lớn), nhức mỏi tay chân, đau họng, đau góc hàm, ăn uống kém. Thường sưng tuyến mang tai, tuyến nước bọt dưới hàm làm vùng sưng viêm lan đến má, dưới hàm kéo xuống cổ giống như mình mang 1 cái túi vải dưới hàm ngang cổ. Thời gian kéo dài từ 7 – 10 ngày.
Hiếm khi bị quai bị lần 2, cần phân biệt với viêm tuyến mang tai do các nguyên nhân khác nếu trẻ bị sưng góc hàm nhiều lần. Cần khám chuyên khoa nhiễm để xác định bé thực sự bị quai bị hay không.
Biến chứng của quai bị có thể gây viêm não – màng não, viêm tụy cấp hoặc viêm tinh hoàn ở nam và viêm buồng trứng ở nữ. Tuy nhiên tỉ lệ vô sinh do biến chứng viêm tinh hoàn hay viêm buồng trứng là cực kỳ hiếm nên quý phụ huynh có thể an tâm.
Cần phải cách ly trẻ bệnh vì bệnh lây qua đường hô hấp. mang khẩu trang, sử dụng vật dụng cá nhân riêng là cần thiết. Hạn chế không chạy nhảy, hoạt động mạnh vì nguy cơ gây viêm tinh hoàn ở bé trai. Cần tập cho bé mặc quần lót để nâng tinh hoàn và giảm đau khi bị biến chứng này.
Phòng ngừa bệnh hiện nay chủ yếu là tiêm ngừa vaccine phòng bệnh quai bị khi trẻ được đủ 12 tháng tuổi và tiêm nhắc lại sau 3 năm. Việc tiêm ngừa này chỉ có thể phòng ngừa được 80 – 95% nên sau chích ngừa vẫn cần phải có ý thức phòng bệnh.
Đăng bởi: Ths.BS NGUYỄN ĐÌNH QUI (Khoa Nhiễm)
Các tin khác
Đừng quên chích ngừa sởi khi còn có thể! 12/09/2024
Bệnh Sởi Và Những Điều Cần Biết 15/08/2024
Bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng ngừa 13/07/2024
Tiêm vắc-xin để chủ động phòng bệnh Sởi 27/03/2024
Triệu chứng Viêm màng não ở trẻ em 16/01/2024
Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà 17/08/2023